Covid -19 – Khi “nỗi sợ hãi” lây lan và biến tướng nhanh hơn cả dịch bệnh
Thời gian gần đây, diễn biến dịch bệnh viêm phổi Coronavirus được toàn thế giới quan tâm. Bên cạnh các thông tin thời sự về số liệu người nhiễm bệnh là rất nhiều thông tin sai lệch về độ nguy hiểm của virus corona khiến cộng đồng vô cùng hoang mang, lo sợ.
Liệu Covid-19 có nguy hiểm đến độ không kiểm soát? Chúng ta đang lo lắng và phòng dịch đúng mức hay thái quá? Điều cần làm nhất lúc này là gì?
Những phân tích khoa học sẽ gây bất ngờ vì chúng vốn không như những gì bạn đang nghĩ.
Nhiễm COVID-19 nghĩa là hết hi vọng?
Mặc dù hệ số lây nhiễm của Covid-19 thuộc ngưỡng 2.2 – 3.5, cao hơn dịch Ebola và SARS nhưng độ nguy hiểm đến tính mạng lại thấp hơn nhiều. Các nhà khoa học đã tính được tỉ lệ tử vong theo trường hợp (case fatality rate) nhiễm bệnh Covid-19 chỉ dưới 3%. Trong khi SARS gây tử vong cho 10% và MERS có tỉ lệ tử vong đến 35%. Điều này có nghĩa: khả năng chữa khỏi đối với người nhiễm virus Corona là rất tích cực.
COVID-19 là đại dịch kinh hoàng nhất từ trước đến nay?
Từ trước đến nay, nhân loại đã trải qua nhiều đại dịch nguy hiểm hơn nhiều. Đại dịch cúm châu Á 1956 – 1958 khiến 2 triệu người thiệt mạng, cúm Tây Ban Nha 1918 làm tử vong 20 – 50 triệu người…Riêng Covid-19 tính tới nay khi đến gần giai đoạn cuối của dịch đã giữ được ở mức hơn 3000 người thiệt mạng.
So với các đại dịch trước đây thì dịch Covid-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát và khả quan hơn.
COVID-19 là đại dịch kinh hoàng nhất từ trước đến nay?
Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao trong việc khống chế dịch bệnh. Dù nằm sát biên giới Trung Quốc nhưng Việt Nam tính tới ngày 9/3/2020 có 30 ca nhiễm bệnh, trong đó16 trường được chữa khỏi hoàn toàn, 14 ca nhiễm mới đang được cách ly, điều trị tốt.
Thực tế, Việt Nam còn nhiều nỗi lo sợ kinh hoàng gấp bội so với dịch Covid-19 nhưng đang bị “ngó lơ”. Theo số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAL), mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc ung thư mới và 94.000 người chết vì ung thư.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn 22.000 người Việt mỗi năm.”
Mỗi năm, 36.000 – 40.000 người Việt Nam tự tử do trầm cảm, 20.000 người tử vong vì bệnh ung thư phổi với 90% có liên quan thuốc lá, khoảng 100.000 người chết vì đột quỵ, hơn 1.600 người thiệt mạng vì ma túy… Đặc biệt, bệnh tim mạch chịu trách nhiệm cho 31% tổng số ca tử vong tại Việt Nam tương đương với hơn 150.000 người tử vong mỗi năm.
Điều cần làm: Đẩy lùi lo sợ, sống lạc quan và làm chủ sức khỏe
Tuy virus có thể tấn công cơ thể chúng ta bất cứ lúc nào nhưng nếu bảo vệ sức khỏe đúng cách thì ngay cả khi nhiễm, cơ thể vẫn có thể chiến thắng bệnh. Hơn nữa, với những bước tiến khoa học và công nghệ, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn bất kỳ dịch bệnh nào.
Hoảng sợ có thể là phản ứng đầu tiên khi đối mặt với bệnh tật. Tuy nhiên, sự hoảng sợ đó không thể đi đôi với thụ động hay những suy nghĩ tiêu cực. Việc cần làm chính là tìm hiểu thông tin thật kỹ càng, có cách chăm sóc bản thân thật tốt. Chủ động bảo vệ sức khỏe mỗi ngày, không cô lập bản thân để thụt lùi và yếu đi.